Khi quyết định mua bán đất nông nghiệp, bạn cần phải nắm rõ mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp gồm những thông tin gì? Điều kiện để mua bán đất nông nghiệp là gì? Blog Mua Nhà sẽ hướng dẫn bạn cách soạn hợp đồng chi tiết trong bài viết dưới đây.
Hiện nay, việc mua bán đất nông nghiệp đang được rất nhiều người đầu tư bất động sản quan tâm. Đặc biệt là tại những khu vực ven đô, khu đô thị, khu công nghiệp, các giao dịch mua bán đất càng trở nên phố biến.
I. Hợp đồng mua bán đất nông nghiệp
1. Khái niệm
Hợp đồng mua bán đất nông nghiệp là một loại hợp đồng khi cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với cá nhân, hộ gia đình khác.

2. Đặc điểm mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp
Hợp đồng mua bán đất nông nghiệp có những đặc điểm như sau:
- Cần được công chứng tại các cơ quan có thẩm quyền
- Có hiệu lực từ ngày đăng ký
- Dùng cho các hoạt động mua bán đất nông nghiệp
3. Điều kiện mua bán đất nông nghiệp
Theo khoản 1, khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, điều kiện để người sử dụng có thể mua bán đất nông nghiệp bao gồm:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án
- Trong thời hạn sử dụng đất
- Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính
4. Đối tượng hạn chế, cấm chuyển nhượng đất nông nghiệp
Tại khoản 3, khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai, các trường hợp không được chuyển nhượng đất nông nghiệp gồm có:
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái

Theo Điều 130 Luật Đất đai, hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp được quy định như sau:
Đất trồng cây hàng năm:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long: < 30ha
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại: < 20ha
Đất trồng cây lâu năm:
- Xã, phường, thị trấn ở đồng bằng: < 100ha
- Xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi: < 300ha
Đất rừng sản xuất là rừng trồng:
- Xã, phường, thị trấn ở đồng bằng: < 150ha
- Xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi: < 300ha
Xem Thêm:
Hướng dẫn thủ tục sang tên sổ đỏ mới nhất năm 2020
Hướng dẫn cách xem sơ đồ thửa đất mới nhất năm 2020
II. Mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp
1. Nội dung của mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp
Trong hợp đồng mua mua bán đất nông nghiệp thường có những nội dung cơ bản như:
- Tên hợp đồng
- Chủ thể tham gia hợp đồng
- Các thông tin thửa đất: vị trí, diện tích,…
- Điều khoản về quyền sử dụng đất chuyển nhượng
- Giá bán, phương thức thanh toán (tiền mặt hay chuyển khoản)
- Việc giao và đăng ký quyền sử đất
- Trách nhiệm nộp thuế và nộp lệ phí
- Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
- Quyền và nghĩa vụ của các bên
- Cam kết chung
- Lời chứng thực của chủ tịch/phó chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất
2. Mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp

Tải Mẫu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại đây.
III. Lưu ý khi ký hợp đồng mua bán đất nông nghiệp
Trước khi thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán đất nông nghiệp, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Giấy tờ pháp lý
Bạn cần kiểm tra kỹ các loại giấy tờ liên quan đến mảnh đất như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ địa chính,…
Trên các loại giấy tờ đó phải thể hiện thông tin thửa đất, quyền hạn của người thực hiện giao dịch với bạn. Việc làm này có thể giúp bạn tránh mua đất với giấy tờ giả và hạn chế những rủi ro về tính pháp lý, vi phạm pháp luật trong thời gian sử dụng.
2. Thông tin các bên tham gia hợp đồng
Các bên tham gia hợp đồng cần cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân như:
- Sổ hộ khẩu
- Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân
- Giấy đăng ký kết hôn

3. Tính ổn định của thửa đất
Đây là vấn đề quan trọng nhất để bạn kiểm tra xem mảnh đất có đang bị tranh chấp hay không. Việc tranh chấp này có thể xảy ra giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức, tổ chức với tổ chức,…
Để xác minh yếu tố này, bạn có thể liên hệ với những người dân xung quanh mảnh đất hoặc UBND cấp xã nơi có đất để xác thực.
4. Quyền sở hữu đất
Bạn cần xác minh quyền sở hữu đất xem đây là tài sản chung hay tài sản riêng.
Nếu là tài sản chung, việc ký kết hợp đồng phải có mặt của những người đồng sở hữu, hoặc có giấy ủy quyền được công chứng. Nếu không đầy đủ các điều kiện này, những tranh chấp về sau sẽ khiến hợp đồng bị vô hiệu.
Như vậy, Blog Mua Nhà vừa chia sẻ với bạn mẫu hợp đồng mua bán đất nông nghiệp. Hy vọng bạn sẽ không gặp phải rắc rối, khó khăn nào trong quá trình ký kết, thực hiện giao dịch mua bán đất.
Ann Tran – Ban biên tập Blog Mua Nhà