Nhà ở xã hội là gì? Các quy định pháp lý, đối tượng, điều kiện mua nhà ở xã hội ra sao? Blog Mua Nhà sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
Hiện nay, nhiều người thu nhập thấp nhưng vẫn muốn sở hữu một căn hộ để sinh sống. Chính vì vậy, nhà ở xã hội ra đời. Đây là một trong những chính sách có ý nghĩa xã hội rất lớn đối với người dân.
I. Nhà ở xã hội
1. Khái niệm
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật nhà ở 2014 quy định: “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở”.
2. Phân loại
Nhà ở xã hội được chia thành 2 loại:
- Nhà ở xã hội là nhà chung cư: diện tích tối thiểu là 25m2, tối đa là 70m2
- Nhà ở xã hội là nhà liền kề thấp tầng: diện tích < 70m2

3. Đặc điểm
Nhà ở xã hội phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng và an toàn theo quy định pháp luật, cụ thể:
- Tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM, nhà ở xã hội không cần phải quy định, giới hạn số tầng
- Tại các đô thị loại khác, nhà ở xã hội là các chung cư không được quá 6 tầng
- Diện tích < 60m2/sàn, tối đa là 30m2/sàn
- Đảo đảm các tiêu chuẩn: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội
II. Quy định, điều kiện mua nhà ở xã hội
1. Các đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội
Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đối tượng mua nhà ở xã hội bao gồm:
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật
- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn
- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở

Xem Thêm: Hợp đồng đặt cọc mua nhà chung cư
2. Điều kiện để mua nhà ở xã hội
Theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014, 9 đối tượng trên nếu đáp ứng đủ các điều kiện về: nhà ở, thu nhập, cư trú thì sẽ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Cụ thể:
2.1. Điều kiện về cư trú
Đây là một trong những điều kiện mua nhà thu nhập thấp mà bạn nhất định phải có:
- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội
- Nếu không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này
2.2. Điều kiện về nhà ở
Để có thể mua nhà ở xã hội, bạn phải là đối tượng gặp khó khăn về nhà ở:
- Bạn thuộc diện chưa có nhà ở, phải đi thuê nhà, mượn nhà hoặc ở nhờ nhà người khác
- Bạn có nhà nhưng đã bị Nhà nước thu hồi phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng hoặc chung cư bạn đang ở bị xuống cấp, bắt buộc phải thu hồi để giải tỏa, cải tạo nhưng không được đền bù. Hoặc diện tích sử dụng < 10m2/sàn/người
- Bạn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đất đai, nhà ở ở nơi sinh sống
- Bạn chưa được mua, thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc chưa được mua, thuê nhà ở xã hội tại các dự án khác
- Bạn phải là người chưa được tặng nhà tình thương, tình nghĩa

2.3. Điều kiện về thu nhập
Vì nhà ở xã hội thường có giá thấp hơn so với các nhà ở thương mại nên đối tượng mua nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp:
- Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo
- Người thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên
III. Trình tự, thủ tục mua nhà ở xã hội
1. Trình tự mua nhà ở xã hội
Khi dự án nhà ở xã hội bắt đầu được khởi công, chủ đầu tư phải cung cấp các thông tin liên quan đến dự án cho người dân được biết như tên, chủ đầu tư, địa điểm xây dựng, địa chỉ nộp đơn đăng ký mua, tiến độ công trình,…
Tiếp theo, chủ đầu tư phải đăng tải các thông tin về dự án lên các phương tiện truyền thông như báo giấy, báo điện tử,… Các thông tin này phải được công khai, minh bạch, rõ ràng để người dân có thể theo dõi và đăng ký mua nhà.
Trước khi mở bán dự án, chủ đầu tư phải cung cấp thông tin: số lượng căn hộ mở bán, cho thuê cho Sở xây dựng để có cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình.

2. Thủ tục mua nhà ở xã hội
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Sau khi các thông tin về dự án đã được xác minh, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ chứng minh các điều kiện mua nhà ở xã hội nêu trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người có nhu cầu mua nhà nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét và lập danh sách những người mua, thuê nhà ở xã hội và gửi danh sách cho Sở xây dựng.
Sở xây dựng sẽ kiểm tra và loại trừ những trường hợp đã được hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội nhiều lần và gửi lại danh sách cho chủ đầu tư.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận danh sách, người mua nhà sẽ được chủ đầu tư thông báo đủ điều kiện mua nhà và tiến hành ký hợp đồng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về nhà ở xã hội, quy định pháp luật, đối tượng, điều kiện mua nhà ở xã hội. Blog Mua Nhà hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin thiết yếu nhất để bạn có thể thực hiện thủ tục mua nhà ở xã hội mà không gặp khó khăn, rắc rối nào.
Ann Tran – Ban biên tập Blog Mua Nhà